Menu

THÁNG TƯ 2007

CÒN BUỒN NỮA HAY KHÔNG?

Nam Lộc


       Tháng Tư 2007, có một số người nói với tôi rằng họ không đồng ý là chúng ta cứ tiếp tục dùng chữ tháng Tư buồn nữa.  Họ cho rằng đã đến lúc cần phải quên đi quá khứ cùng những đau xót cũ để hướng đến tương lai.

       Tôi không chống đối quan niệm trên, vì chúng ta ai cũng biết rằng, thế hệ sinh ra sau Tháng Tư định mệnh 1975, bây giờ cũng đã 32 tuổi!  Họ không chứng kiến những khổ đau, tang tóc.  Những chia lìa đổ vỡ, cho nên chúng ta bắt họ phải buồn vào những ngày tháng Tư thì cũng không hợp lý cho lắm.  Tuy nhiên bên cạnh đó thì thế hệ trẻ cũng không thể quên đi một phần lịch sử quan trọng nhất của dân tộc VN.  Bởi vì theo tôi, quá khứ là một bài học giá trị nhất của hiện tại và là hành trang cần thiết để bước vào cuộc đời.  Vì thế cho nên nếu để ý thì quý vị có thể nhận thấy được một điều là những bài tham luận có chiều sâu của thế hệ trẻ hiện nay, thường đến từ những người biết nhận định và thấu hiểu quá khứ một cách tường tận và trung thực.

       Một trong số những thí dụ điển hình là bộ phim Journey From The Fall, tức Vượt Sóng, đang được trình chiếu rộng rãi hiện nay ở khắp mọi nơi.  Một bộ phim mà tôi cảm thấy cả ba thế hệ đều nên đi xem và cũng đều có thể cảm nhận được.  Những người rời VN vào thời điểm Tháng Tư 1975.  Các thuyền nhân vượt biển, những tù nhân cải tạo, và có lẽ quan trọng hơn cả là thế hệ sinh ra sau 1975, để hiểu được vì sao Ông, Bà, Cha, Mẹ của họ phải bỏ nước ra đi.  Có những điều mà nhiều người lớn hay thế hệ đi trước không thể nào kể lại hoặc diễn tả để các con, các cháu hiểu được những câu chuyện vượt biên của gia đình, hoặc những thảm cảnh đằng sau cánh cửa của các trại tù cải tạo.  Có thể vì xúc động, cũng có thể vì không có thì giờ hoặc hoàn cảnh để nhắc đến những kỷ niệm buồn.  Nhưng nếu quý vị có dịp đưa các con, các cháu đi xem phim Vượt Sóng thì tôi nghĩ chúng ta không cần phải giải thích dài dòng, các cháu cũng sẽ hiểu được phần nào giá trị của hai chữ tự do cùng sự hy sinh của thế hệ đi trước qua biến cố 1975.

       Và theo tôi đó là những nỗi buồn tháng Tư không thể thiếu được trong tâm hồn cuả những người tỵ nạn VN, dù sinh ra ở thế hệ nào đi nưã.




HÃY ĐI XEM PHIM VƯỢT SÓNG:

NHÌN LẠI QUÁ KHỨ

HUY PHƯƠNG

       Tôi đã có dịp làm quen với Hàm Trần, nhà đạo diễn và Lâm Nguyễn, nhà sản xuất, những người đã làm nên cuốn phim Journey From The Fall trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh của đài SBTN.  Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi biết năm sinh của Hàm Trần là 1974, và Lâm Nguyễn chỉ mới ra đời sau ngày Saigon thất thủ vài tháng.  Thân phụ hai em đều là những quân nhân VNCH, và hơn thế nữa, với trường hợp Lâm Nguyễn, cha là cựu thiếu tá nhảy dù Nguyễn Văn Viên, giải ngũ năm 1972 đã bị Việt Cộng xử tử cùng với những người bạn và người anh ruột là một linh mục sau vụ Vinh Sơn.

       Cuốn phim kể lại những biến cố của nhân dân miền Nam sau ngày Saigon sụp đổ mà nhiều gia đình đã liên hệ đến biến cố này, là trại tù cải tạo và cảnh vượt biển đi tìm tự do.  Đây là cuốn phim đầu tiên của thế giới về những cảnh này, do những người trẻ tuổi thực hiện bằng trái tim và tinh thần tự nguyện như lời của nhà nhiếp ảnh Carol Peterson, người đã đi theo đoàn làm phim.  Bằng tấm lòng của tuổi trẻ biết nhìn lại quá khứ, người đạo diễn đã đi vào thế giới sách vở, tài liệu và nghe chuyện kể từ hằng trăm nhân chứng để viết thành chuyện phim Vượt Sóng.  Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại sẽ nhìn thấy những quãng đời của chính mình, những nỗi đau khổ của gia đình mình đã trải qua trong đó để nhận thấy mình đang ở đâu.  Điều đẹp đẽ cần ghi nhận là cuốn phim do những người rất trẻ làm nên, nghĩa là họ chưa muốn quên quá khứ và họ cũng nhìn thấy những xung đột khó khăn của mỗi gia đình Việt nam trên đất Mỹ trong những năm đầu tiên.

       Hàm Trần cùng với Lâm Nguyễn đã chọn đề tài Vượt Sóng, một đề tài tuy quen thuộc, nhưng rất khó diễn tả, vì chúng ta ai cũng đã trải qua những tình huống ở trong cuốn phim và có thể khó tính đòi hỏi những hoạt cảnh trong đó phải giống như sự thật.  Nhưng trại cải tạo và cảnh vượt biển được ngôn ngữ điện ảnh diễn tả những nét chính, phần lớn có tính cách biểu tượng và gây những ấn tượng đậm nét cho người xem.  Mặt khác, đây không phải là một cuốn phim thương mãi, nhà sản xuất và đạo điễn đã chọn một đề tài khá gai góc của đời sống, rất khó thành công.  Nhưng Hàm Trần đã cho cộng đồng Việt Nam và cả giới điện ảnh Hoa Kỳ thấy rõ khả năng đạo diển của anh.

       Cuốn phim chỉ mới chiếu một tuần những đã gây một nguồn dư luận mạnh mẽ trên các tờ báo địa phương.  Khán giả đã xếp hàng chờ mua vé xem phim và hầu hết khán giả đã khóc và khóc nhiều lần khi xem phim với những nỗi xúc động hồi tưởng về những đoạn đời đã qua.  Thế hệ trẻ trong gia đình nên đi xem phim để thấy cuộc hành trình qua biển của gia đình đã đưa các em dến đây, các gia đình tù cải tạo cũng nên nhìn lại những hình ảnh khắc nghiệt trong cuộc đời tù tội của cha ông mà tài liệu về nhà tù Cộng Sản trên thế giới để lại hầu như rất hiếm hoi.  Chúng ta đã vượt qua những khổ đau của quá khứ để có được ngày hôm nay, nhưng đừng bao giờ quên nó cả.

       Đặc biệt, xin mời các bạn cựu quân nhân VNCH, các cựu tù nhân chính trị đến xem cuốn phim này.  Thiện chí và tấm lòng của những người làm phim rất đáng cho chúng ta quan tâm và khuyến khích.  Mong các bạn sẽ hiểu những biểu tượng trong phim, người tù Nguyễn Long trong cơn trốn chạy đã đứng thẳng lên, nhận một viên đạn AK 47 để cho bạn tù được thoát.  Cũng như chúng ta chấp nhận sự thiệt thòi của số phận, đã chết hay sống cũng như đã chết, chỉ là một cái xác không hồn như lời của người vợ tù do Diễm Liên diễn xuất, để cho thế hệ con em chúng ta lớn dậy, có một đời sống cho ý nghĩa...

       Chúng ta dù muốn quên đi, nhưng không bao giờ chạy thoát khỏi nỗi ám ảnh của quá khứ.  Tốt hơn là nhận nó như một bài học để làm tốt đẹp hơn cho tương lai.  Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực vì hoàn cảnh và ngôn ngữ, nhưng chúng ta kỳ vọng nhiều đến thế hệ nối tiếp, trong đó có những người trẻ tuổi như nhóm làm phim Journey From The Fall, nhan đề tiếng Việt là Vượt Sóng.  Chúng ta, cũng như tuổi trẻ cộng đồng Việt Nam, những thế hệ lưu vong hôm nay nên hãy nhớ anh là ai, từ đâu đến, nếu không, anh sẽ không biết sẽ đi về đâu! (Remember who you are, where you come from, otherwise, you don't know where you  are going -Karolina Kurlova, Czech Model).