Menu

Phần 1

Tháng Tư Lại Về

Hồi Ký Vương Mộng Long K20


       Ghi chú: BĐQ Vương Mộng Long, tốt nghiệp Khóa 20/TVBQGVN.  Trong suốt thời gian binh nghiệp, ông phục vụ tại Vùng II qua các Tiểu Đoàn BĐQ sau đây: TĐ 11, 4 Mike Force, TĐ 81, và TĐ 82.  Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 82/BĐQ.  Sau 30/4/1975, Cộng Sản VN đã giam giữ ông từ 1975 tới 1988  qua các trại cải tạo, từ nam ra bắc (13 năm).  Hiện ông và gia đình, vợ 4 con, đang sinh sống tại Seattle, WA.  Năm 2003, ông tốt nghiệp University Of Washington với cấp bằng B.A. Social Science & Communication

       Trích từ Nguoi Viet Online 01/10/2007:
       "Cái đáng nói nhất, đó là nhờ Sư Đoàn 18 BB và các đơn vị tăng phái cho Mặt Trận Xuân Lộc Tháng Tư 1975 như Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 82 BĐQ, SĐ3 và 4 KQ... nên QLVNCH đã cầm chân được Cộng Sản Bắc Việt gần 2 tuần lễ.  Nhờ vậy đã giúp cho một số lớn người Việt Nam hậu phương, có cơ hội ‘di tản’ ra nước ngoài để đổi đời."

 Mường Giang


       Bây giờ là tháng Tư, trong ký ức tôi những kỷ niệm 30 năm trước lại hiện về, rõ mồn một như thể là nó mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia.  Bây giờ là tháng Tư, tôi lại nhớ đến trận đánh oai hùng cuối cùng của QLVNCH, trận Xuân-Lộc!  Tôi bùi ngùi hồi tưởng những vinh quang nhận được từ chiến thắng để đời này, cùng những tủi nhục nhận lãnh trong những ngày đen tối tiếp theo sau đó, khi quê hương nát tan.  Những dòng này viết lên để tưởng niệm những thuộc cấp của tôi đã ngủ yên giấc tháng Tư, bên con suối Rét (Xuân-Lộc), trên một ngọn đồi không tên ở Long-Thành, và trong đường phố Hố-Nai (Biên-Hòa).

       Đầu tháng Tư năm 1975, Quân đoàn 2 không còn nữa.  Vì liên đoàn trưởng và liên đoàn phó vắng mặt, nên tôi được chỉ định nhận nhiệm vụ chỉ huy và hướng dẫn Liên đoàn 24/ Biệt Động Quân từ Quảng-Đức tìm đường ra biển để bắt tay với quân bạn.  Khi liên đoàn được trực thăng vận về Phan-Thiết thì Tiểu đoàn 82 BĐQ được đưa thẳng về sân bay Long-Khánh đặt thuộc quyền xử dụng của BTL/ SĐ 18 BB.  Tại đây, suốt 10 ngày đêm ròng rã, Tiểu đoàn 82/ BĐQ đã tả xung hữu đột chặn đứng mọi mũi tiến công dũng mãnh của lực lượng xe tank Cộng-Sản Bắc-Việt nhắm vào sân bay Xuân-Lộc và Tòa Hành Chánh Long-Khánk vùng đông nam thành phố.  Với tôi, trận Long-Khánh là một trận đánh "để đời" cho những tay cầm quân chuyên nghiệp.

       Ngày xưa tôi rất mê Rommel, tôi đã tìm đọc nhiều sách viết về "Con Cáo Sa Mạc" này, và tôi mơ tưởng có ngày được đánh những trận thần sầu như Rommel đã làm.  Ngày đầu đặt chân xuống phi trường Long-Khánh (6/4/1975) tôi thật khó mà tưởng tượng ra rằng tại nơi này mình lại có dịp tham dự vào một trận đánh long trời lở đất vài ngày sau đó.  Trận Xuân-Lộc là lần đầu trong đời lính, tôi được thỏa mãn ước vọng đọ sức so tài với một địch thủ nặng cân hơn về vũ khí, đồ sộ hơn về quân số.  Địch đông gấp ba, bốn lần quân bạn, được T54 trang bị đại bác 100 ly dẫn đường.  Pháo yểm của CSBV gồm đủ loại hạng nặng: đại bác 130 ly, 122 ly nòng dài, 105 ly, 75 ly sơn pháo, cối 120 ly, cối 82 ly, và phòng không 37 ly.  Thậm chí trong ba ngày đầu địch dùng cả phòng không 37 ly bắn trực xạ vào trại 181 Pháo Binh/ SĐ18BB, nơi tôi đặt bản doanh BCH Tiểu đoàn 82 BĐQ.  Ấy vậy mà đoàn quân hung hăng của "Con Cháu Bác" không làm cách nào vượt nổi khúc xương khó nuốt là cái trại 181 PB bé tí teo để xông thẳng vào tòa Hành Chánh tỉnh, nơi ông Đại tá BĐQ Phạm văn Phúc (K10VB) tỉnh trưởng, đang trợn tròn con mắt theo dõi tên đàn em về từ Pleime chơi trò ú tim với xe tank CSBV.

       Rạng đông 9/4/1975 chiến trận bắt đầu bùng nổ.  Chiến trường mịt mù dưới đất, tóe lửa trên trời.  Những cánh F5 thét gào, lên, xuống, thả hết đợt bom này tới đợt bom khác lên đầu địch.  Đáp lại, địch cũng trả đòn bằng những chùm 37 ly phòng không nở hoa trên mây.  Những chiếc Khủng Long AC 119 bao vùng cả ngày lẫn đêm, những họng đại bác 20 ly gầm rú từng hồi.  Súng nổ như bắp rang khắp nơi trong thành phố, ngoài vòng đai.  Đủ loại đại bác thét gầm; đạn xé gió ào ào tới tấp tưới trên mục tiêu của cả hai phía.  Những đám cháy không người chữa, lửa càng lúc càng cao, thần hỏa tự do tung hoành.  Máy truyền tin ơi ới gọi nhau.  Những thân hình ngã xuống, những tiếng hô xung phong nghe rợn tóc gáy.  Những chiếc T54 hung hãn khạc đạn không ngừng, những cái lô cốt ngả nghiêng vì trúng đạn đại bác 100 ly của xe tank địch.  Trong những ngày đầu tháng Tư Long-Khánh, một góc địa cầu đã rung rinh vì bom đạn!

       Khi chiếc PT 76 vướng vào cuộn kẽm gai vòng nơi góc rào tây bắc của trại 181 Pháo Binh Sư Đoàn 18 thì cũng là lần đầu đoàn quân xâm lăng khựng lại hoảng hồn bởi những tiếng hô, "Biệt Động! Sát! " ... "Biệt Động! Sát!"  Chiếc xe tank đầu tiên lãnh một quả M72.  Chiếc PT 76 xấu số cháy bùng.  Những tên bộ đội Cộng-Sản tùng thiết rút lui trối chết về hướng rừng lau.  Chúng tôi đã ra mặt đương đầu với đoàn chiến xa CSBV ngay từ giờ đầu súng nổ.  Nơi góc đông nam thị xã, những người xâm lăng đã biết chúng tôi là Biệt Động Quân.

       "Biệt Động! Sát!" , "Biệt Động! Sát!" tiếng hô vang dậy một góc trời. Biệt Động Quân đang có mặt nơi đây!

       Săn đánh xe tank là cả một nghệ thuật, nó còn là một cái thú nữa, cái thú vui chết người!  Hơ hỏng một chút thôi là mất mạng như chơi.  Trong số 12 BĐQ Pleime tử trận ở Long Khánh tháng 4/1975 đã có 7 người chết trong khi săn đuổi xe tank CSBV.  Mỗi chiến cụ, mỗi vũ khí đều có chỗ yếu của nó.  Cái bộ phận phun khói của xe tank là cái "gót chân Achilles" của xe tank CSBV.  Tất cả những chiếc tank địch bị TĐ82 BĐQ tiêu diệt trong trận Xuân-Lộc đều bị bắn từ phía sau đuôi, nơi phun khói.

       Đánh tank cũng có qui luật.  Việc đầu tiên là "tỉa" tên xạ thủ 12,8 ly, nó là tai mắt của chiếc tank, nó có một chân trái hoặc phải bị khóa vào dây xích trên ghế phòng không.  Việc thứ nhì là "bung" một trái lựu đạn khói hoặc lân tinh làm màn chắn che mắt cái tank bạn của nó ở cách nó không xa, cây phòng không trên chiếc tank thứ nhì là tử thần gọi chết.  Việc thứ ba thật là giản dị, cứ đứng xổng lưng bóp cò cây M72 nhắm ngay phần phun khói sau đít cái tank mục tiêu, đây là phần mỏng nhất, dễ bắn thủng nhất của chiến xa.  Một tiếng "bùm! " rồi tiếp sau đó là xăng và đạn trong xe cháy nổ "lóc! tóc!... ùm! ùm! " ngọn lửa dâng cao, khói dâng cao.  Xong!

       Mỗi lần một chiếc PT 76 hay T 54 bị bắn cháy, cột khói chưa lên cao khỏi ngọn cây thì người Anh Cả của chiến trường đã có mặt trên vùng.

       -Tiên Giao đây Hằng Minh gọi!

        - Hằng Minh, Tiên Giao nghe!

       - Come on!  Gắng lên nghe em!  Đánh cho nó tà đầu hết cục cựa!  Okay?

       - Vâng, tôi nghe 5, đánh cho nó tà đầu hết cục cựa!

       - Okay!  You're a man!  Don't let 'em run away!  Okay?

       - Vâng, không cho nó ôm đầu mà chạy!

       - Kill 'em!  Kill 'em!  Okay!

       - Vâng!  Đây là cái tank thứ (2) (3)... đó nghe Hằng Minh!  Nó vào cái nào, tôi hạ cái nấy nhé!

       - Okay!  I like the way you fight!

       - Vâng, tôi nghe rõ 5!

       - You're great! You're excellent!

       Sau khi thị sát trận địa và khích lệ tinh thần tôi, người Anh Cả bay sang mặt trận hướng Tây thị xã.  Trên đường bay, ông liên tục đối thoại với vị chỉ huy trưởng phòng thủ Xuân-Lộc, Đại tá Trung đoàn trưởng Tr/Đ 43/ SĐ18 BB Lê xuân Hiếu (K10) cũng bằng ngôn ngữ nửa Việt nửa Mỹ.  Người Anh Cả của mặt trận này là Thiếu tướng Lê Minh Đả Thiếu Tá Vương mộng Long, tác giä, và phu nhân, tháng 10 năm 1974o (K10) Tư lệnh Sư đoàn 18 BB.  Ông lấy danh hiệu đàm thoại là Hằng Minh, tên người em ruột của ông.  Trung tá Lê Hằng Minh là người hùng TQLC Tiểu đoàn trưởng TĐ2/ Trâu Điên năm xưa đã tử trận trên chiến trường Thừa-Thiên.  Tiên Giao là tên đứa con gái út của tôi, danh xưng truyền tin tôi chọn cho mình trong trận đánh này.  Ngày qua ngày, pháo địch như mưa, T 54 có bộ binh tùng thiết, từng đợt, từng đợt ào ạt xung phong vào vòng đai phòng thủ thị xã.  Nhưng những tổ chống tank ba người của TĐ 82/ BĐQ ẩn hiện như ma trơi, sau ô mối, sau gốc xoài, trong bụi chuối, cứ từ từ rang hết con cua T 54 này đến con cua T 54 khác.  Tiểu đoàn tôi đánh vùi với chiến xa địch cả tuần lễ không biết mệt.  Toán diệt tank này bị loại, toán khác lên thay.  Có cả một giang sơn hướng đông nam thị xã cho chúng tôi mặc sức tung hoành!  Chúng tôi đã làm cho địch tổn hại nặng nề.  Chúng tôi đã đánh cho chúng nó "tà đầu" như ý của Thiếu Tướng Tư Lệnh mặt trận.  Một ngày giữa tháng Tư năm 1975, ngoài vòng đai phòng thủ, một chiếc T 54 chạy lạc loài.  Cái ống khói của nó lãnh trọn một quả M 72 từ toán diệt tank của Đại Đội 1/ TĐ82 BĐQ.  Anh binh nhì Phan Thọ trong toán hộ tống của TĐT82BĐQ cùng với anh phóng viên nhà báo lao vụt về hướng súng nổ.  Ít phút sau tôi nghe choang choác, tiếng phòng không 12,8 ly nổ dòn ngoài xa.  Trong máy PRC 25 tiếng Th/úy Học, ĐĐT1/82 BĐQ báo cáo, thằng Thọ bị thương nặng, xin tản thương.  Thì ra anh B2 Thọ gan dạ này thấy chiếc T 54 đã nằm bất động, anh leo lên gỡ khẩu phòng không đem về cho thầy.  Không ngờ còn một chiếc chiến xa T 54 khác nằm ẩn trong bụi lau cách đó không xa; thấy anh đứng nghênh ngang sau pháo tháp, nó quạt cho anh một tràng 12,8 ly.  Anh rơi xuống đất như con chim bị ná.  Ruột anh đổ ra lòng thòng, máu tuôn như suối.  Anh phóng viên và một người lính trong toán diệt tank khiêng Thọ về sân bay.  Sĩ Quan Trợ Y Tiểu đoàn phải dùng cả một tấm băng lá to bằng hai bàn tay xòe để che cho ruột của Thọ khỏi phòi ra.

       Mặt Thọ tái xanh, môi run run,

       - Thiếu tá đừng la em nhé!  Em thấy cây súng dễ ăn quá, không ngờ tụi nó bắn lén em!

       Tôi an ủi Thọ,

       - Ừ Thiếu tá không la em đâu, nằm im đó chờ xe.  Hoàng Long sẽ đem em đi tản thương!

       Hoàng Long là danh xưng của Đại úy Ngũ văn Hoàn, Tiểu đoàn phó TĐ 82/ BĐQ.

       Tôi một mặt lo xin pháo binh trong vòng đai trực xạ vào vị trí chiếc xe tank còn lại, một mặt điều động ĐĐ1 TĐ1 Trung đoàn 43 BB đánh bọc bên phải tiếp tay cho Thiếu úy Học ĐĐ1/82 có thì giờ dùng kẽm gai concertina quây quanh chiếc xe mới bị bắn cháy.  Chỉ có concertina mới ngăn cản hữu hiệu được bước tiến của chiến xa địch.  Con đường độc nhất để tiến quân bằng xe tank của địch nhắm vào sân bay Long-Khánh đã bị đan chằng đan chịt kẽm gai vòng.  Chiếc tank mới bị cháy nằm hơi xa ngoài hàng rào và nó là chiếc T54 thứ tư bị sơn lên pháo tháp dòng chữ "Tiểu đoàn 82/ BĐQ diệt tank".  Năm 1981 tại trại Cải Tạo Z30 C Hàm-Tân, có một Thiếu úy thuộc LĐ 81/ BCND tên là Nguyễn văn Vinh tìm gặp tôi.  Anh nói, "Tháng 5/1975 em bị nhốt ở Long-Khánh, em ở trong toán tù binh bị bắt đi chùi những chữ 'Tiểu đoàn 82 BĐQ diệt tank' viết trên bốn cái tank T54 và một cái lội nước PT 76 ở bìa rào phòng thủ Xuân-Lộc.  Công nhận tiểu đoàn anh đánh tank tuyệt quá!"

       Chiếc xe tản thương của Trung đoàn 43 BB đã đưa B2 Phan Thọ về ngã ba Tân-Phong, tháp tùng có Đại úy Hoàn, anh phóng viên nhà báo và một anh y tá BĐQ.  Khi quay trở về vị trí phòng thủ, ông Đại úy Tiểu đoàn phó kể lại chuyện dưới đây.  Xe tới BTL/ SĐ18/ HQ thì Thọ rất mệt vì máu ra đã nhiều, anh xuống xe ngồi dựa lưng vào một gốc xoài.  Ông Đ/úy Hoàn đi tìm Sĩ quan Quân Y Sư đoàn để xin tải thương.  Bất ngờ Tướng Tư Lệnh từ trong lều bước ra, thấy Thọ, ông hỏi,

       -Em là lính của ai?  Bệnh gì?  Muốn về Sài-Gòn hả?

       Thọ im lặng mở tấm băng lá cho Tư Lệnh thấy vết thương của mình.  Bất ngờ, bộ ruột của anh trào ra khỏi miệng vết thương; máu anh tuôn xối xả.

       Anh y tá vội thưa,

       - Trình Thiếu tướng, anh này là lính TĐ 82 BĐQ , ảnh bị phòng không bắn khi đang gỡ khẩu 12,8 ly trên cái chiến xa vừa bị bắn cháy. Thiếu tá em cho phép ảnh được tản thương về Sài-Gòn đó Thiếu tướng.

       Tư Lệnh la lớn,

       - Quân y đâu băng bó cho chú em ngay.

       Ông quỳ xuống tự tay ấn từng đoạn ruột của người lính vào bụng của anh ta.  Người y tá vội vàng làm phận sự của mình tiếp tay với Tư Lệnh.

       Đại úy Hoàn vừa kịp quay lại chưa kịp chào trình diện thì Tư Lệnh đã lớn tiếng,

       - Phi hành đoàn C&C đưa gấp chú em này về Cộng-Hòa cho tôi.

       Quay qua Thọ, Tướng nhẹ giọng,

       - Em là lính của Thiếu tá Long, em can đảm lắm, qua sẽ cứu em!

       Thọ lí nhí,

       - Cám ơn Thiếu tướng.

       Rồi anh quay qua Đại úy Hoàn,

       - Cho em điếu thuốc đi Đại úy.

       Đại úy Hoàn chưa kịp móc túi lấy thuốc cho Thọ, thì Tướng đã có sẵn điếu thuốc lá đưa vào môi người lính can trường.  Ông một tay che gió, một tay bật lửa mồi thuốc cho Thọ.  Mặt Thọ tái xanh, những thớ thịt trên má bắt đầu co giật.  Thọ hút một hơi thuốc dài, mắt Thọ long lanh, chợt anh ngoác miệng cười,

       - Khẩu phòng không còn mới cáo cạnh, nước thép xanh biếc thấy mê luôn Đại úy ơi!

       Ông Đại úy Hoàn an ủi,

Đời Lính Phong Trần        - Giờ này chắc tụi nó đã mang khẩu súng ấy về nộp cho Thiếu tá rồi.  Mày nói đúng đó, nó còn mới cáo cạnh, hèn nào mày không mê nó đến đổ ruột luôn!

       Thọ cúi đầu cười xẻn lẻn.

       Cái bảng nhôm sơn đỏ có sao trắng được lật mặt ra đàng sau đã trở thành cái bảng nhôm màu trắng thanh khiết bên hông chiếc C&C.  Không bảng sao, chiếc trực thăng chỉ huy trở thành giản dị bình thường, như ngàn vạn chiếc tàu khác.  Trước khi lên máy bay, Thọ còn ra dấu cho Đại úy Hoàn lại gần để anh nhắn nhủ một điều gì quan trọng lắm,

       - Em đi rồi không có ai pha cà phê sáng cho Thiếu tá.  Đại úy nhớ nhắc thằng Bích khi pha cà phê cho Thiếu tá thì cho ít đường thôi!  Thiếu tá không thích uống ngọt lắm đâu.  Nhờ Đại úy nhắn với Thiếu tá rằng, khỏi bịnh, xuất viện là em lên với Thiếu tá ngay.  Thôi em đi đây!

       Không rõ Tư Lệnh có nghe lời nhắn của anh lính BĐQ gởi cho thầy của anh ta không, nhưng rõ ràng đôi mắt Tư Lệnh rưng rưng.  Chiếc trực thăng khuất trong vòm mây từ lâu mà cánh tay Tư Lệnh còn vẫy theo chưa hạ xuống.  Đây không phải là lần đầu cái can trường của thuộc cấp làm tôi cúi đầu kính phục.  Mà đã nhiều lần trong quá khứ, dưới quyền tôi, không thiếu những ngưới lính dũng cảm như thế.  Thời 1966 vùng triền sơn Quảng-Nam đầy rẫy những họng súng bắn tỉa.  Cứ nghe tiếng "tắc cù" là chú Hạ sĩ Phong lại đưa cái thân cao ngỏng còng queo của chú che cho tôi, chú nói,

       - Em phải che cho Thiếu úy, em trúng đạn có mình em chết.  Thiếu úy trúng đạn cả chục người chết theo.

       Rồi cũng có lần chú bị bắn toác nón sắt khi đưa thân che chở cho tôi, khi Đại đội tôi chạm địch gần ga Hương- An, Tam-Kỳ.

       Năm 1969 trong trận Bình-Tây 49 dưới chân đỉnh Chư-Pa, Đại đội 1/ TĐ11BĐQ của tôi đánh cứu viện cho Đại đội 4/ TĐ11 BĐQ của Tr/ úy Nguyễn Lạn (K20).  Trận này quân nhân đơn vị của tôi và Lạn bị thương khá nhiều.  Từ đầu trận, người lính mang đồ ngủ của tôi, anh B1 Trung đã bị bắn bể hông phải.  Đã có nhiều chuyến tải thương đi, mà Trung vẫn còn ngồi chờ trên bãi đáp.  Tôi hỏi tại sao anh không lên máy bay về bịnh viện, anh phân bua,

       - Em chờ xem có ai bàn giao đồ ngủ của Trung úy xong em mới yên lòng đi về.

       Tôi ngỡ ngàng kêu lên,

       -Trời ơi!  Sao mày khờ thế!  Cứ quăng đại cho ông thường vụ!  Lên tàu ngay!  Luẩn quẩn ở đây đến chiều, hết tàu tản thương.  Qua đêm máu ra hết thì chết!

       Trung giao đồ ngủ của thầy anh ta cho ông thường vụ đại đội, bàn giao kỹ lưỡng nhiệm vụ của mình rồi mới chịu lên chuyến tải thương cuối cùng về Quân Y Viện Pleiku.  Vết thương của anh nặng lắm, sau ngày lành bệnh, anh B1 Trung đã được giải ngũ lãnh tàn phế 100%.  Những người lính của tôi dễ thương như thế ấy!  Họ chỉ biết vâng lời người chỉ huy mình, bất kể đúng hay sai.  Cấp chỉ huy ra lệnh tử thủ, họ tử thủ; cấp chỉ huy ra lệnh rút lui, họ rút lui; không ý kiến, không bàn cãi phán xét mà chỉ có tuân lệnh thi hành.  Họ đã cùng tôi bao tháng ngày đồng hành qua những chiến trường rực lửa, từ Pleime qua Kiến-Đức tới Lâm-Đồng rồi về Xuân-Lộc.  Những người lính của tôi không màng đến vinh quang mà chỉ phụng sự cho cái vinh quang của người chỉ huy mình.  Vinh quang một đời của người cầm quân là một món nợ, nợ với tổ quốc, nợ với đồng bào, và nợ với thuộc cấp của mình, những người đã hi sinh cho cái vinh quang mà mình đã một thời nhận được.

       Là người cầm quân, vinh quang là cứu cánh, vinh quang là ý nghĩa của cuộc sống.

       Tôi không có dịp tham dự vào cuộc phản công tái chiếm chợ Xuân-Lộc, khách sạn Long-Khánh và Cua Heo cũng như những cuộc giao tranh trong khu trung tâm thị xã.  Tin tức liên quan đến mặt trận hướng Tây tôi hoàn toàn mù tịt.  Suốt mười ngày dầu sôi lửa bỏng tháng Tư Long-Khánh 1975, TĐ 82 BĐQ chỉ biết có mặt trận đông nam thị xã mà thôi.  Bên hướng đông suối Rét là Lữ đoàn 1 Dù của Trung tá (K15) Nguyễn văn Đỉnh làm búa.  Bên hướng tây suối Rét là cái đe do Thiếu tá (K20) Vương mộng Long, TĐT82BĐQ chỉ huy, gồm TĐ 82 BĐQ tăng cường thêm 1 Đại đội của TĐ 1/ 43 BB, 1 Đại đội Địa Phương Quân Tiểu Khu Long-An và 1 Đại đội Điạ Phương Quân từ Bình-Long di tản về.  Làm đe thì đỡ công di chuyển, đỡ mệt thân xác, dễ kiểm soát đội hình, quân số.  Nhưng làm đe cho Dù thì quả là mất mạng như chơi!  Pháo Dù nó tưới như mưa, làm đe bị lãnh tản đạn là thường.  Trong trận này có ba người lính Thượng của tôi thiệt mạng vì tản đạn của pháo Dù.  Tháng Tư 1975 tôi đã chôn họ ngay bên dòng suối Rét.  Tôi đã cầu nguyện cho linh hồn họ yên vui trên đường phiêu du về nguyên quán Pleiku.

       Từ ngày đầu chiến dịch, một anh phóng viên chiến trường của một tờ báo ở Sài-Gòn, đã có mặt bên tôi không rời.  Anh có dáng lòng khòng dong dỏng như một triết nhân.  Anh mặc đồ trận, đội nón sắt, nhưng không trang bị súng ống.  Anh chỉ có cái máy ảnh, quyển sổ tay, và cây bút làm hành trang.  Ngày mà đạn pháo Dù bao trùm suối Rét cái lều của anh nhà báo rách toang.  Cũng may anh thoát chết vì lúc đó anh đang ở với ĐĐ1 TĐ82 BĐQ của Th/úy Học; anh bận chụp hình cái tank cháy ngày hôm trước nơi hàng rào bắc của trại 181 PB/ SĐ18.  Giữa tháng Tư Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tung ra nhiều đợt tấn công mãnh liệt nhắm vào một Trung đoàn CSBV trong đồn điền chôm chôm hướng đông nam suối Rét.  Chúng tôi ở bên này bờ, hào hứng quan sát pháo Dù nổ rền trời phía bờ bên kia.  Từ nơi đồn điền Thống tướng Tỵ, cán binh CSBV từng tốp chạy túa ra bìa rừng, nhảy ùm xuống suối Rét.  Những tay súng Pleime nhả đạn từ từ và chính xác.  Những người lính Bắc-Việt bật lên khỏi mặt nước như những con cá trắm cỏ, quẫy mạnh một lần rồi chìm luôn...

       Những tiếng hô "Biệt Động! Sát!" hoà lẫn tiếng súng M16, M60 làm cho một số cán binh CSBV vừa ló đầu ra trảng trống đã vội chạy ngược lại bìa rừng.

       Rồi cũng có người cầm cờ trắng chạy từ trong rừng ra bờ suối, súng AK dơ lên cao khỏi đầu.  Thế là họ đầu hàng!

       -Thôi!  Vứt súng xuống suối rồi lội sang đây!  Vứt súng xuống suối!  Dơ tay lên cao khỏi đầu, lội sang đây!  Nghe rõ chưa?

       - Dạ cháu nghe rõ ạ!

       Tôi và người phóng viên nhà báo mồi cho ba anh cán binh CSBV ba điếu thuốc lá.  Họ còn rất trẻ, chỉ độ mười lăm.  Bơ phờ mất ngủ, mắt quầng thâm.

       - Cậu mấy tuổi rồi?

       - Dạ thưa Thủ trưởng, cháu lên mười sáu ạ!

       - Sao đi bộ đội sớm thế?  Mới mười sáu mà đã đi lính rồi à?

       - Cháu là thanh niên xung phong. Thủ trưởng của cháu nói rằng Miền Nam giải phóng rồi.  Chúng cháu chỉ vào để tiếp thu thôi ạ!

       - Thế đánh nhau mấy ngày nay cậu thấy thế nào?

       -Thưa Thủ trưởng, nhà cháu sợ lắm ạ!

       - Thôi đừng sợ, chốc nữa có người đưa cậu về Sài-Gòn.  Hết chết rồi, đừng sợ!

       - Thủ trưởng có nói thật không hử Thủ trưởng?  Nhà cháu sợ chết lắm Thủ trưởng ơi!

       Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngáo.  Ngón tay cậu bé run run cầm điếu thuốc thơm đưa lên môi, chỉ sợ nó rơi...

       Thì ra thế!  Những cậu bé này được đưa vào đây là để... tiếp thu Miền Nam!

       Một hôm, Đại tá Hiếu gọi tôi vào máy để "check fire".  Tôi liếc qua nơi cần hỏa tập.  Ồ!  Cái tọa độ ấy chẳng liên hệ gì tới quân bạn, không trở ngại!  Rồi Đại tá Hiếu lại gọi tôi vào máy để "check fire".  Rồi tôi lại trả lời, "không trở ngại!"   Cứ vậy, ba bốn lần hỏi qua, đáp lại.  Chiều hôm ấy tôi nghe một tiếng "ùm!" âm vang hướng đông bắc.  Tôi đã từng nghe B52 đánh cận phòng nhiều lần trên chiến trường Cao-Nguyên Vùng 2.  Tôi đã nghe quen tiếng những trái bom 500 cân Anh, 300 cân Anh thun thút từ trên mây xanh, những tiếng "ủn ủn" theo đuôi nhau chui trong không khí kiếm mục tiêu.  Nghe tiếng bom nổ chùm, tôi có thể phân biệt được đó là Box 3km x 1km, Box 2km x 1km, hoặc Box 1km x 1km.  Tiếng "ùm!" lần này có vẻ như âm vang của 1 Box B52 đánh gọn ô vuông mỗi chiều 1km x 1km ngày nào?  Tôi thấy một cột bụi dâng cao dần dần tới mây.  Trời cao và mây xanh ngắt.  Có một chiếc C130 còn lượn trên vùng.  Tôi nghĩ chắc chiếc C130 là tác giả cú "ùm!" vừa qua.  Mãi sau này tôi mới biết tiếng "ùm!" đó là 1 trong 2 trái CBU 55 (hay CBU 85) được xử dụng trong trận Xuân-Lộc.  Một trái được thả xuống vùng núi Tre hướng Tây Bắc Long-Khánh, tôi không nghe báo.  Trái thứ nhì thì được thả xuống chận đường kẻ thù đang tiến vào khu vực phòng thủ của Trung đoàn 43/ SĐ18 BB trong đó có TĐ 82 BĐQ tăng cường.

       Mặt trận tạm yên thì phái đoàn Thượng Hạ Viện từ Sài-Gòn đã bay ra tới tận cuối sân bay Long-Khánh để ủy lạo những người lính Vùng 2 đang đổ máu bảo vệ mảnh đất còn lại của quê hương nơi Vùng 3.  Những gói quà, những cái bắt tay, những lời hứa hẹn khen thưởng làm ấm lòng người chiến sĩ.  Tôi nằm trên võng dưới tàn cây điều lộn hột, lòng buồn nhớ thương vợ con tôi không rõ giờ này ra sao.  Những người lính dưới quyền tôi cũng vậy, mặt người nào cũng không vui, thân nhân chúng tôi đã rơi vào tay địch nơi chân trời cũ xa xôi Ban-mê-Thuột, Pleiku...  Một sớm mai, từ hướng đông, chiến xa địch dàn hàng tiến về vòng đai phòng thủ Xuân-Lộc.  Đại tá Hiếu gọi tôi và cho biết lần này bộ binh tùng thiết của CSBV có vẻ đông hơn những đợt tấn công trước đây nhiều.  Pháo binh bạn đã bắn tối đa để chận địch.  Tôi thấy vài cột khói bốc lên từ những chiếc tank bị cháy.  Có một chiếc T54 bị bắn đứt xích cách vòng rào trại 181 PB không xa lắm.  Chúng tôi nghe tiếng búa của bộ đội CSBV gõ trên thành xe, chúng đang sửa cái xe tank bị đứt xích!  Pháo binh từ trong vòng đai liên tiếp trực xạ hướng vào chiếc T54 bị thương.  Địch không phản ứng.  Tiếng búa chạm sắt cũng im.  Họ án binh chờ lệnh?  Rồi bên quân bạn cũng không thấy ai yêu cầu tác xạ thêm, pháo binh của ta cũng tạm ngưng.  Từ trưa tới chiều chạng vạng, mặt trận yên tĩnh lạ lùng.  Khi mặt trời vừa lặn, pháo địch từ nhiều hướng khác nhau tập trung trên thành phố Xuân-Lộc, đủ loại súng nặng, bắn thẳng, cầu vồng, có điều khác lạ là tất cả đều là pháo tầm xa (?)  Pháo địch kéo dài cỡ một giờ đồng hồ rồi im hơi.  Màn đêm buông xuống, tôi nghe tiếng động cơ chiến xa nổ rộ, rồi nghe tiếng bánh sắt chạm đường đất đá, âm vang kéo dài từ gần rồi xa dần.  Toán tiền thám BĐQ ngoài vòng đai báo cáo, chiếc T54 bị đứt xích đã được kéo đi và cả đoàn chiến xa dàn hàng ngang ngoài vòng đai phòng thủ cũng đang rút đi (?)  Tôi báo cáo sự việc này cho Đại tá Hiếu, ông cũng ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì, địch đang chuẩn bị một cuộc sống mái thì đột nhiên đổi hướng.

       Những ngày sau đó tình hình im ắng như tờ, những con ve sầu trên ngọn điều lộn hột cất tiếng hòa ca điệu cuối Xuân trong khung cảnh thật là tĩnh mịch êm ả đồng quê.  Những cây chuối trên đồi rủ lá.  Những sợi khói lam từ mái rạ bay cao.  Khoảng ba giờ chiều ngày 20/04/1975 Đại tá Hiếu cho xe ra sân bay đón tôi vào họp hành quân.  Ông rầu rầu,

       - Ông Toàn ra lệnh cho chúng ta bỏ Long-Khánh rút về Bà-Rịa.  Ông Đảo vừa được lệnh và cho tôi biết.  Tôi đón chú vào cho chú hay để mà chuẩn bị.  Chút nữa ông Đảo họp với ông Toàn xong trở về sẽ có lệnh chi tiết sau.  Tôi ngồi với Đ/Tá Hiếu một lúc thì có điện thoại của Tư Lệnh.  Đại khái ông cho biết, lệnh bỏ Long-Khánh là từ Tổng Thống.  Địch không vây Long-Khánh nữa mà đi bọc về đánh Biên-Hòa và thủ đô Sài-Gòn nên quân ta phải bỏ Xuân-Lộc, về bảo vệ Thủ Đô.  Tướng Đảo cực lực phản đối vụ triệt thoái này nhưng Tổng Thống và Tướng Toàn đã quyết định cắt tiếp ứng, tiếp tế, yểm trợ cho SĐ 18 để ép Sư đoàn này thi hành lệnh lui binh.

       Tôi được lệnh rút TĐ 82 BĐQ về ngã ba Tân-Phong trước 8 giờ đêm, chờ lệnh.  Tiểu đoàn 82 BĐQ cuốn lều, lấp hầm hố phòng thủ khi đêm rơi.  Cuối tháng ba năm 1975 chúng tôi đã làm việc này ở Kiến-Đức; chúng tôi đã bỏ lại sau lưng một trận địa, một kẻ địch kinh hoàng đến độ hai ba ngày sau mới dám mon men vào điểm trú quân đã bỏ trống của đơn vị BĐQ một thời ngang dọc Vùng 2.  Tôi đã rút đi, theo lệnh, để lại Kiến-Đức hàng chục nấm mồ thuộc cấp của mình bên QL14.  Quận Kiến-Đức và Đồn Pleime cách nhau không bao xa, cũng còn là trong lãnh thổ Vùng 2!  Lần này 12 người lính của Pleime ngủ lại bên bờ suối Rét, lạ lẫm quê người, quanh đây chỉ có điều lộn hột, chuối, xoài và đồng cỏ mênh mông.  Nơi này thật xa những ngọn núi hùng vĩ Chư Gô, Chư Don, thật xa con sông mơ màng Ia Meur lững lờ quanh năm.  Công lao khó nhọc dặm trường nửa đường đứt gánh.

       Đơn vị tôi vừa di chuyển ngang cổng Tòa Hành Chánh tỉnh Long-Khánh thì Đại tá BĐQ Phạm văn Phúc, tỉnh trưởng đã chờ ở đó.   Đại tá yêu cầu tôi cho Tiểu đoàn 82 BĐQ đi với đoàn quân của Tiểu khu Long-Khánh, và ông xin được tháp tùng Tiểu đoàn 82 BĐQ trong cuộc rút lui.  Tôi từ chối với lý do,

       - Đại tá có cả một Tiểu Khu, Đại tá phải chỉ huy họ, là cấp chỉ huy của họ.  Đại tá không thể đi theo tôi mà để họ không người chỉ huy.

       Đại tá Phúc hiểu ra, cám ơn tôi đã có lời nhắc nhở nhiệm vụ của ông.  Chúng tôi bắt tay từ biệt.  Mãi tới năm 1979 tôi mới gặp lại Đại tá trong trại cải tạo Nam-Hà A ngoài Bắc.  Trong cuộc rút binh, Đại tá Phúc đã bị bắt khi đi được nửa đường Xuân-Lộc, Bà-Rịa và bị giữ trong trại tù từ ngày đó.  Ra tới QL1 tôi phải cho quân đi hàng một và cách lề trái đường vài chục mét.  Khi đến ngã ba Tân-Phong tôi được lệnh ngừng lại chờ lệnh.  Trên QL1 những chiếc xe cam nhông chở đầy ắp lính ngồi hai hàng, xe chạy như bay, chiếc này bám đuôi chiếc khác.  Xe mở đèn pha sáng choang.  Có những người lính bộ binh lưng mang nặng balô, súng đeo vai đi sát hai bên đường.  Một người lính bộ binh chạy băng ngang từ bên phải sang bên trái đường.  Anh trượt chân té, chiếc xe cam nhông chạy qua đè ngang hai chân anh.  Anh lính la hét đau đớn được một câu thì chiếc xe cam nhông thứ hai đã đè đủ năm chiếc bánh bên trái qua người anh ta.  Tôi nghe rõ tiếng "rốp!" khi bánh xe lăn qua đầu anh.  Cái xác dẹp lép của người lính cách chân tôi khoảng hai mét.  Tôi kéo xác anh vào lề đường.  Cái căn cước quân nhân cho tôi biết tên người xấu số là Nguyễn thành Long, sinh quán Long-An.  Hai bên đường người cứ đi như chảy hội, trên đường, xe cứ nối đuôi nhau.

      . . . . . . . .