Menu

Sổ tay: Cựu quân nhân

Thương Phế Binh, Anh là Ai?

Trần Quỳnh Lưu


       Monday, October 29, 2007.  Marcel Proust nói “Quá khứ không phải chỉ thoáng qua, nó vẫn còn tại chỗ”.  Thật vậy, quá khứ luôn luôn tồn tại và đeo đuổi chúng ta, dù chúng ta có đi đến chân trời góc bể nào hay chúng ta có sống với bất cứ môi trường nào thì “quá khứ vẫn nằm nguyên đó, không mất” đôi khi nó còn là một ám ảnh trong suốt cuộc đời.  Trong mỗi con người ai cũng đều có một quá khứ riêng để giữ và để nhớ.  Có những quá khứ vinh quang để hãnh diện, để nhắc nhở với con cháu, nhưng cũng có những quá khứ bi thảm mà con người cố quên, càng cố quên nó lại càng hiện rõ, đậm nét như Marcel đã nói “nó vẫn còn tại chỗ”.  Nó vẫn còn tại chỗ là hiện hữu của những “mảnh đời rách nát, cơ khổ”.  Những mảnh đời đã bị thời thế, chủ nghĩa và con người ruồng bỏ thảm hại.  Những mảnh đời “hôm qua còn nguyên vẹn, hôm nay bỗng dưng lại là người ăn xin” ngay trên chính quê hương mình.  Quá khứ một thời đó đứng nguyên tại chỗ với tên gọi “Thương Phế Binh Miền Nam” hiện diện mỗi ngày trên các đường phố.  Bởi vì quá khứ của họ đứng nguyên vẹn tại chỗ cho nên họ là những người không có tương lai, con cái họ cũng thế.  Tương lai có chăng là những miếng cơm thừa canh cặn của những quan chức Cộng Sản quyền thế, ác độc bố thí, ban phát.  Cái họ cần là làm sao có được ngày hai bữa cầm hơi.

       Chúng ta những người Quốc Gia Miền Nam đang sống trên đất khách quê người có còn nhớ đến họ hay không?  Và nhớ đến họ với tên gọi Thương Binh bằng những tuyên dương chỉ có trên ngôn ngữ và những tổ chức vinh danh không phải để đánh bóng cái quá khứ bi hùng đã qua hay là vì cái gì?  Có phải chúng ta đang sống chỉ để mà tưởng nhớ thiếu thực tế, chỉ cần lập ra cho họ một ngày Thương Binh là đủ trả hết món nợ máu xương hay nợ ân tình của những người lính muôn năm trước.  Món nợ đó có phải chăng là một nghĩa vụ và trách nhiệm mà hầu hết quân dân miền Nam cần báo trả.  Và trả bằng cách nào để cho những người thương binh được hưởng những ân tình của những người dân miền Nam nhớ ơn họ.  Trả bằng cách nào và phải trả làm sao cho những người thương phế binh và con cháu họ không bị những đòn thù của Cộng Sản giáng xuống đầu thêm một lần nữa.

       Thực sự, Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa có cần những người Việt hải ngoại tổ chức rầm rộ một ngày vinh danh hay họ chỉ cần giúp đỡ về vật chất một cách cụ thể, cách nào để họ nhận được sự trợ giúp đó mà không bị Cộng Sản làm khó dễ?

       Rất nhiều câu hỏi cần phải được làm sáng tỏ.  Nhân chúng tôi được biết có một số anh em cựu quân nhân hải ngoại có ý định lập một ngày để “Vinh Danh Thương Phế Binh VNCH”.  Đây là một vấn đề rất nhạy cảm.  Xét cả về tinh thần lẫn pháp lý.  Cả hai vế đều cần phải mang tính Chính Danh, nếu không như thế sẽ gây ra nhiều ngộ nhận và hiểu lầm, có khi gây thêm hiềm khích và chia rẽ.  Do đó trong phần quan điểm này xin được nêu ra những dữ kiện với mục đích đóng góp thêm những ý kiến xây dựng và làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử và không hề có ý công kích hoặc đả phá bất cứ một cá nhân hay một nhóm nào.  Quan điểm này cũng chỉ muốn nói lên những hiểu biết về một vấn đề mang tính thời sự mà trước đây ít có người nhắc đến, hoặc vì họ thiếu quan tâm hay vì không được biết tường tận nên có những ý kiến làm ngược lại những gì đã có từ trước vì một dụng ý riêng tư hay vì một thúc đẩy nào đó từ những tham vọng cục bộ.  Nếu những nhận xét sau đây thiếu chính xác, tôi xin được đón nhận những cao kiến của quý vị trong tinh thần tương kính và học hỏi.

       Cựu Quân Nhân - Thương Phế Binh - Anh là ai?  Theo định nghĩa của Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Chiếu theo Huấn Thị Điều Hành Căn bản 230-600 về Tái Đăng, Giải Ngũ được tu chính trong Đại Hội Tổng Quản Trị/TTM năm 1971 và được Tổng Tham Mưu Trưởng, Đại Tướng Cao Văn Viên ký ban hành (Huấn Thị Tái Đăng-Giải Ngũ chỉ là một trong nhiều Huấn Thị được ban hành trong thời gian này) quy định thể thức Tái Đăng và cho Giải Ngũ các quân nhân nằm trong các điều kiện như sau và những quân nhân này khi được giải ngũ sẽ mang danh xưng là cựu quân nhân.

  1. Giải ngũ vì đáo hạn tuổi.
  2. Giải ngũ vì bất khiển dụng và tàn phế vĩnh viễn do chiến tranh, sau khi được Hội Đồng Y Khoa thuộc Cục Quân Y giám định mức độ tàn phế (chiếu theo tường trình ủy khúc và báo cáo tổn thất QĐ-22 của sĩ quan quản trị nhân viên và đơn vị trưởng, Hội Đồng Giám Định Y Khoa sẽ chiếu theo báo cáo tổn thất này để phân định cấp độ tàn phế và cũng phải căn cứ trên hồ sơ bệnh lý của các quân y viện).  Giải ngũ vì lý do này được gọi là “thương phế binh”.
  3. Giải ngũ vì lý do thi hành xong nghĩa vụ quân dịch pháp định (thời bình).
  4. Giải ngũ vì lý do kỷ luật (không được hưởng những quyền lợi dành cho cựu quân nhân).
  5. Giải ngũ vì thâm niên cấp bậc quá lâu, trên 8 năm mà không được thăng cấp, đơn vị trưởng đề nghị thuyên chuyển về một đơn vị khác có bảng cấp số cao hơn để hội đủ điều kiện thăng cấp.  Nếu vẫn không được thăng cấp, mặc nhiên sẽ được giải ngũ (điều khoản này được tu chính năm 1971).
       Riêng quân nhân loại 2 không được giải ngũ, đương sự sẽ được thuyên chuyển về đơn vị chuyên môn không tác chiến.  Trước khi được giải ngũ, hồ sơ quân bạ do các trung tâm quản trị các quân khu và trung tâm quản trị trung ương tại Sài Gòn quản trị.  Sau khi được giải ngũ tất cả các hồ sơ được chuyển về Bộ Cựu Chiến Binh . Do đó thương phế binh được nằm trong thành phần cựu chiến binh theo như huấn thị điều hành căn bản của Bộ Tổng Tham Mưu quy định. 

       Ngoài các huấn thị của quân lực, chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhằm nhớ đến công lao của những người đóng góp máu xương cho sự tự do, no ấm của đồng bào và đất nước.  Ông đã ban hành luật Nhớ Ơn, Tương Trợ Cựu Chiến Binh và Cô Nhi Quả Phụ ngày 18 Tháng Giêng 1962.  Và cũng kể từ năm này, chính thể Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa hàng năm đều tồ chức Lễ Ghi Ơn Cựu Chiến Binh, Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ.  Ngày 18 Tháng Giêng đã trở thành luật dành cho thương phế binh và nhằm vinh danh những người đã hy sinh một phần thân thể bảo vệ giang sơn, tổ quốc.

       Năm 1973 khi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ban hành Luật Người Cày Có Ruộng, các thương phế binh trong ngày 18 Tháng Giêng 1973 đã xuống đường biểu tình với sự cầm đầu của TPB Nguyễn Rô, Chủ Tịch TPB/VNCH đòi thương phế binh có nhà (theo niên biểu lịch sử VN thời kỳ 1945 - 1975 của soạn giả Vân Phố Hoàng Đống do Đại Nam phát hành).

       Căn cứ trên những tài liệu lịch sử đã dẫn chứng.  Chúng tôi rất cảm thông với những tấm lòng của một số cựu quân nhân muốn chọn một ngày khác vinh danh cho thương phế binh đều không mang tính chính danh.  Nếu chúng ta còn mang danh xưng Việt Nam Cộng Hòa như là cựu quân nhân QLVNCH, thì chúng ta không nên chọn một ngày khác ngoài cái ngày mà hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đã ban hành thành luật và đã từng tổ chức hàng năm để vinh danh thương phế binh và cựu quân nhân cô nhi quả phụ.  Thực sự, nếu chúng ta còn một chút tấm lòng dành cho những người đã từng hy sinh một phần thân thể trên chiến trường đang sống cơ cực tại quê nhà. Một món “Nợ Máu Xương” chúng ta có nghĩa vụ phải đền đáp và chúng ta còn muốn mang danh xưng Việt Nam Cộng Hòa thì chúng ta nên giữ ngày lễ của VNCH đã có trước đây. 

       Đó là chưa muốn nói đến yếu tố tâm lý lẫn chính trị, nếu chúng ta cố tình chọn một ngày khác theo ý muốn của một số quân nhân (có thể vì tấm chân tình với những thương phế binh còn ở lại) thì sự chọn lựa này đều không chính đáng.  Chúng tôi cũng được nghe nói đến một lý do mà một số anh em quân nhân có ý muốn chọn ngày 16 Tháng Chín làm ngày vinh danh cho thương phế binh khắp nơi tại hải ngoại.  Để đóng góp ý kiến cho vấn đề này. Xin được chia làm hai phần, thứ nhất nói về Tình, thứ hai nói về Lý (quân sử ).

       Trước khi phân tích hai phần trên, theo sự nhận biết của người viết bài này. Có một số anh em cựu quân nhân muốn chọn ngày 16 Tháng Chín làm ngày “Vinh Danh Thương Phế Binh” vì theo luận cứ của các anh em này cho rằng 16 Tháng Chín là ngày Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến VNCH tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và theo họ, mức thương vong trong trận đánh này lên rất cao. Có thật như vậy hay không?  Tôi xin được trình bày như sau:

       - Thứ nhất: Theo Tình thì đã là người dân VNCH, chúng ta luôn phải nhớ ơn những người lính Cộng Hòa Miền Nam đã xả thân vì đại nghĩa dân tộc, nhất là những người lính đã hy sinh một phần thân thể trên chiến trường.  Họ là những thương binh bị bỏ lại và bị quên lãng trong một thời gian khá lâu, và đã sống trong một hoàn cảnh nghiệt ngã trong chế độ Cộng Sản chỉ biết có trả thù.  Việc nhớ đến họ là điều cần thiết phải có, không những chỉ vinh danh mà còn phải giúp họ về vật chất để họ có thể sống chuỗi ngày còn lại trong sự biết ơn của đồng bào miền Nam.  Đây là nghĩa vụ của mỗi người, nhất là các vị chỉ huy của họ mà hầu hết hiện đang sống ổn định tại hải ngoại.  Một món nợ “Máu Xương” mà tất cả nhân dân miền Nam thiếu họ.  Do đó, rất thông cảm với một số anh em cựu quân nhân có ý định phát động ngày ghi ơn các thương phế binh, nhằm cho mọi người nhớ đến những thương phế binh cùng khổ này.  Việc làm này thật đáng khích lệ. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, như đã trình bày trong phần trên, mong các vị cựu quân nhân có ý định như thế nên nhìn vào thực tế đã có từ trước, như vậy có thể tránh được mọi ngộ nhận đáng tiếc có thể xảy ra làm phân hóa tiềm năng chiến đấu của người Việt Quốc Gia hải ngoại.

       - Thứ hai: Nói về Lý thì trong quân sử do Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH ấn hành nhận định tình hình của Trung Tâm Hành Quân Bộ TTM, trận tổng tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 do CS Miền Bắc phát động và tiến hành cùng một lúc trên 3 mặt trận, Kontum, Bình Long-An Lộc và Quảng trị cho thấy mặt trận Kontum và Quảng Trị chỉ là diện nhằm phân tán và xé mỏng các binh chủng ưu tú của quân lực VNCH.  Mặt trận An Lộc mới chính là điểm vì các lý do sau:

       Về Chính Trị: Nhằm áp lực với Mỹ ở thế mạnh trong lúc đang thương thảo về một hiệp ước ngưng bắn tại Paris (ký ngày 17 Tháng Giêng năm 1973 ) do đó, CS đã tung vào chiến trường An Lộc 3 sư đoàn chủ lực 5, 7, và 9 cộng với các trung đoàn chiến xa T-54, pháo binh cố chiếm cho bằng được An Lộc với mưu đồ dùng An Lộc làm thủ đô cho cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam do Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch, nhưng thực chất là con cờ của Hà Nội, do Hà Nội đẻ ra.  Với ý đồ chính trị như thế, và nhằm đánh tan âm mưu của CS, nên chính phủ VNCH và QLVNCH bằng mọi giá quyết giữ An Lộc.

       Về Quân Sự: Bộ Tổng Tham Mưu đã tung vào chiến trường An Lộc 3 Sư Đoàn Bộ Binh 5,18, 21, Trung Đoàn 15 Sư Đoàn 9, 3 Liên Đoàn BĐQ, 2 Lữ Đoàn Nhảy Dù, Chiến Đoàn Xung Kích Quân Đoàn III, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, các đơn vị Thiết Giáp, Pháo Binh v.v...  Với quyết tâm và cường độ chiến tranh như thế, mức thương vong về phía QLVNCH được lượng định cao hơn 2 chiến trường Trị-Thiên và Kontum rất nhiều, do đó, tình trạng thương bệnh binh cũng hơn hẳn 2 mặt trận kia.  Đây là sự thật được viết trong Quân Sử và cũng được rất nhiều báo chí thời đó tường thuật rất tỉ mỷ, rõ ràng.  Luận cứ dùng ngày 16 Tháng Chín 1972 chọn làm ngày vinh danh các thương phế binh, vì cho rằng trong mặt trận tái chiếm Cổ Thành, sự thương vong của các quân nhân dù và Thủy Quân Lục Chiến cao nhất trong Mùa Hè Đỏ Lửa là không đúng sự thật.  Giả dụ nếu chúng ta chối bỏ luật ngày 18 Tháng Giêng 1962 “Nhớ Ơn Cựu Quân Nhân, TPB và Cô Nhi Quả Phụ” do chính phủ VNCH ban hành, để chọn một ngày khác, thì nhất định phải chọn là ngày Giải Tỏa An Lộc chứ không phải là ngày Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị, đó là chưa nói đến yếu tố Chính Danh.

       Thực tế, với cuộc sống khó khăn của các thương phế binh VNCH tại quê nhà, và với sự trù dập của chế độ Cộng Sản.  Nếu chúng ta vẫn dùng các ngày lễ của VNCH, Cộng Sản VN vẫn không có cái cớ để đàn áp anh em thương phế binh, cho rằng Cộng Sản sẽ không từ bỏ bất cứ một hành động nào nhằm đàn áp và bóc lột người dân trong nước.  Cho dù chúng ta có tổ chức rầm rộ hay âm thầm trợ giúp thương phế binh, thì bản chất ăn cướp của Cộng Sản vẫn thế, không thay đổi.  Có điều, những người Việt Quốc Gia vẫn còn tâm tình yêu thương những người lính Cộng Hòa, nhất là các thương phế binh đang sống trong nước, chúng ta nên chọn ngày mà chính phủ Cộng Hòa đã tuyên dương họ, bởi vì tự chính những người lính ấy đã được người dân Việt trong cũng như ngoài nước vinh danh họ lâu rồi!  Họ vẫn sống trong lòng mỗi người dân Việt biết nhớ ơn và trả ơn!  Nếu chúng ta có lòng nhớ đến những người lính bất hạnh ấy thì “Xin hãy trả họ về cái ngày mà lịch sử đã ghi công, ngày mà toàn dân miền Nam nhớ ơn họ, kể từ 18 Tháng Giêng 1962”.

       Xin một chút thinh lặng trong nỗi niềm tri ân, và cũng bởi vì như Marcel Proust đã nói “Quá khứ không phải chỉ thoáng qua, nó vẫn còn tại chỗ”.