Chuyện trò cùng đồng đội:Câu chuyện 30 Tháng TưHuy PhươngChúng ta có nhiều danh từ để nói đến ngày miền Nam bị bức tử: Tháng Ba gãy súng, Tháng Tư đen, ngày quốc hận, ngày đứt phim, ngày tan hàng... Ngày 30 Tháng Tư là một dấu ấn đậm nét và phải nói là còn là một vết thương trong lòng mỗi người dân miền Nam. Khi quân đội tan hàng nhiều vị tướng lãnh cũng như quân sĩ đã tuẫn tiết, nêu gương anh hùng, mang lại danh dự cho những người cầm súng miền Nam. Cũng từ ngày ấy hàng trăm nghìn người tìm đường vượt thoát không cấp nhận sống dưới chế độ Cộng Sản, cơn khát tự do kéo dài trong gần hai mươi năm, và biết bao nhiêu đồng bào đã bỏ mình ngoài biển cả hay trong rừng sâu. Hằng chục nghìn quân cán chính, thành viên các đảng phái đã bị lùa vào trại tập trung với chánh sách trả thù tàn tệ, bỏ đói, lao động khổ sai, xử tử, thủ tiêu ngay cả sau khi trình diện, đầu hàng. Chính sách đấu tố, bóc lột trở lại với việc đánh tư sản, bần cùng hóa nhân dân với việc đổi tiền, đày đọa, lùa dân đi kinh tế mới để cướp nhà cướp đất. 32 năm qua, người dân trong nước vẫn sống trong một hoàn cảnh thiếu tự do dân chủ, bằng chứng là càng ngày càng có nhiều cảnh áp bức, bắt bớ, tù đày, vẫn một đảng độc trị, vẫn một cuộc bầu cử không có sự chọn lựa do đảng cầm quyền sắp đặt. Chế độ Cộng Sản, với một chính thể chuyên chế muốn bịt miệng, che mắt người dân, tiến hành áp đảo để dễ bề cai trị. Xã hội vẫn đen tối với nạn buôn người, nạn bán sức lao động ra nước ngoài. Đạo đức bị băng hoại, suy đồi với nạn tham ô, cảnh bán thân giữ chợ đời thành ra một chuyện thông thường, nhân phẩm phụ nữ bị chà đạp, chính quyền bất công, dân đen bị áp bức, cướp đất cướp nhà, tạo nên cảnh dân oan khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng giữa lòng Hà Nội. Đây là một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước nhà, mà ngày nay gần ba triệu người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên thế giới quyết tâm ủng hộ và đứng về phía đấu tranh của các nhà hoạt động dân chủ trong nước, để đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho người dân Việt Nam. Nhân ngày 30 Tháng Tư, xin thắp một nén hương tưởng niệm năm vị tướng lãnh và các quân sĩ đã tuẫn tiết vì đại nghĩa chưa tròn, và nhất là các chiến sĩ vô danh ở khắp bốn vùng chiến thuật, noi gương các anh hùng liệt sĩ Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Võ Tánh nguyện chết theo thành và biết bao nhiêu người lính Việt Nam Cộng Hòa đã bắn đến viên đạn cuối cùng và vào những giờ cuối cùng đã chọn cái chết cho tổ quốc. Chúng ta tiếc thương những chiến sĩ đã hy sinh nằm xuống trên mặt trận, những người tù Việt Nam đã chết trong những trại tập trung của Cộng Sản, những bà con thân thuộc của chúng ta đã chết tức tưởi trên biển Đông và vô số đồng bào ruột thịt của chúng ta là nạn nhân của chế độ Cộng Sản đã chết hay sống oan nghiệt bằng cách này hay cách khác ở quê nhà. Chúng ta không quên những chiến sĩ can trường, ngày nay là những người thương binh, phế tật đang sống mỏi mòn, thiếu đãi ngộ vì vận nước. Chúng ta cũng không quên mang ơn các chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ trong nước, hiện đang chịu gông cùm, tù tội. Không có họ là những người đốt đuốc, dẫn dường, dân tộc sẽ mãi là những người sống trong bóng tối. 32 năm nhìn lại, chúng ta không quên những gì Cộng Sản đã gieo rắc trên quê hương và cho dân tộc ta nhưng ngày nay trước mặt chúng ta là thế hệ con em đang lớn lên, thế giới đang đi những bước dài tiến bộ. Cộng Sản có thể xa dần chủ nghĩa xói mòn, lạc hậu nhưng vẫn kết hợp thành băng đảng để cầm quyền cai trị. Với tuổi tác hôm nay của những người lính chiến 32 năm về trước, con đường chúng ta đi hôm nay là đặt tương lai của đất nước vào niềm hy vọng nơi con em các thế hệ nối tiếp và hỗ trợ cho lớp trẻ và đồng bào trong nước tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, hy vọng cho thế hệ mai sau được cơm no, áo ấm và sống trong tự do, nhân phẩm. Và chúng ta tha thiết một điều, hải ngoại xin hãy đoàn kết hơn nữa vì mục đích chung. * Trích Báo Việt Báo ngày Thứ Ba 1 Tháng 5 năm, 2007 |