Menu


Giải Pháp Bông Lau

Đỗ Thái Nhiên


       LTS : Đây là bài thuyết trình của chiến hữu Đỗ Thái Nhiên đọc trong Đại Hội TTCCSVNCH/Hải Ngoại vừa qua. Chúng tôi nhận thấy tác giả có nhiều ý kiến cũng như nhận định sâu sắc và xác đáng, nên cho đăng trong số này, để quý độc giả và các chiến hữu tham khảo.

Tập San BĐQ

       Có nhiều chỉ dấu chứng tỏ công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam ngày càng tiến triển tốt đẹp.  Tuy nhiên, giới am tường tình hình chính trị Việt Nam lại tỏ ý lo ngại: vào thời điểm chính quyền về tay nhân dân lại là lúc người Việt Nam phải tiếp nhận một lãnh thổ không còn toàn vẹn, một số lãnh hải, lãnh thổ trọng yếu về kinh tế, quân sự có thể đã rơi vào tay kẻ xâm lược phương Bắc. Cội nguồn của những lo ngại kia nằm ở đâu? - Câu trả lời xin được trình bày như sau:

       Ngày 9 tháng 7 năm 2007, trong vùng biển Trường Sa, cách Saigon 350Km hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu đánh cá của Việt Nam, làm một ngư dân thiệt mạng và nhiều người khác bị trọng thương.  Sau biến cố này, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyệt đối giữ im lặng.  Dĩ nhiên, giải pháp im lặng này là mệnh lệnh của Trung Quốc, mệnh lệnh của kẻ xâm lược, nó hàm ý rằng Trung Quốc có quyền giết hại ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải của Việt Nam.

       Ngày 17 tháng 7 năm 2007, tám ngày sau vụ nổ súng ở Trường Sa, nhà cầm quyền CSVN đột ngột ngăn cấm Hoa Kỳ: không được phép dùng trực thăng để vận chuyển bệnh nhân từ đất liền Đà Nẵng ra tàu bệnh viện của Mỹ để được chữa trị theo một chương trình y tế nhân đạo do Hoa kỳ và CSVN thỏa thuận từ trước.  Sở dĩ CSVN hành động như vừa kể là vì CSVN rất sợ bị Trung Quốc nghi ngờ Hà Nội có âm mưu liên minh quân sự với Mỹ nhằm chống Trung Quốc.

       Hai bản tin ở trên sở dĩ được trích dẫn chỉ vì chúng mang tính thời sự.  Trong thực tế, lịch sử bang giao Việt Hoa là lịch sử của vô số va chạm đẫm máu trong một cuộc đấu tranh bất tận giữa xâm lăng và chống xâm lăng.  Bây giờ, chúng ta hãy xét xem, ở vào vị trí địa lý và chính trị của Việt Nam, nhà cầm quyền CSViệt Nam đã ứng xử như thế nào để quốc gia Việt Nam có thể tồn tại, ổn định bên cạnh anh khổng lồ Trung Quốc.  Anh khổng lồ này vừa phải nuôi cơm trên một tỉ ba dân số, vừa phải ngày đêm lùng kiếm nhiên liệu dành cho guồng máy kinh tế phát phì, thường trực lên cơn sốt, thường trực lăm le vượt ra ngoài tầm tay kiểm soát của nhà cầm quyền.  Phép ứng xử mà chúng ta cần khảo sát là phép ứng xử đối ngoại và đối nội của CSVN.

       ĐỐI NGOẠI:

       Những tranh chấp ở Hoàng sa và Trường Sa bao giờ cũng làm cho dư luận nghĩ đến đảo nhỏ Senkaku.  Đảo này rộng 7 km vuông, không có cư dân. Senkaku thuộc quần đảo Ryukyu, nằm ở tọa độ 170 km bắc đảo Ishigaki (Nhật Bản), 186 km đông bắc đảo Keelung (Đài Loan), và 410 km tây Okinawa, Nhật Bản.  Năm 1970, người ta khám phá ra Senkaku có chứa trữ lượng dầu hỏa.  Từ đó cuộc tranh chấp chủ quyền trên Senkaku xảy ra giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.  Mỹ công khai ủng hộ Nhật Bản.  Kết quả: Senkaku hiện là lãnh thổ của Nhật.  Lịch sử thế giới có rất nhiều sự kiện tương tự.  Senkaku chỉ là một thí dụ điển hình.  Câu chuyện Nhật Bản và Senkaku cho thấy: hùng mạnh như Nhật vẫn còn phải dựa vào Mỹ để bảo vệ lãnh thổ.  CSVN đã làm gì trên trường ngoại giao để bảo toàn lãnh thổ VN?  Đi tìm giải đáp cho câu hỏi vừa nêu, người nghiên cứu bắt gặp các vấn đề sau đây:

       1) Cổ sử cùng với thực tiễn đời sống đều xác nhận: toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.  Quần đảo này gồm Tây Hoàng Sa và Đông Hoàng Sa.  Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng Đông Hoàng Sa.  Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn giữ Tây Hoàng Sa.  Ngày 04/09/1958, Trung Quốc tuyên bố hải phận của họ rộng 12 hải lý.  Vì vậy từ Đông Hoàng Sa đếm qua tây Hoàng Sa 12 hải lý thì toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.  Ngày 14/09/1958, Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN, ký công hàm cam kết tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, tức là mang Hoàng Sa biếu không cho Bắc triều.

      2) Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng) và Trường Sa (Bãi Cát Dài) là tên gọi mà người VN từ ngàn xưa đã đặt cho hai quần đảo nằm trong vùng biển của Việt Nam.  Trung Quốc do gian mưu muốn lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nên mới gọi Hoàng Sa là Tây Sa (đảo phía tây của Trung Quốc) và gọi Trường Sa là Nam Sa (đảo phía nam của Trung Quốc).  Tháng 02/1972, Cục đo đạc và Bản đồ, trực thuộc phủ thủ tướng CSVN (lúc bấy giờ là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã phát hành Tập Bản Đồ Thế Giới, trong tập bản đồ này CSVN đã đổi tên Hoàng Sa và Trường Sa là Tây Sa và Nam Sa, đúng theo ý muốn của Trung Quốc.  Hành động như vừa trình bày, CSVN đã công khai phản quốc bằng cách mang Hoàng Sa và Trường Sa cống hiến cho Trung Quốc.

       3) Sau khi bị Trung Quốc đánh tả tơi trong chiến trận 02/1979, CSVN không thể không chống Trung quốc.  Trong giai đoạn chống đối này, CSVN đả kích Trung Quốc về rất nhiều mặt.  Riêng đối với vụ Hoàng Sa và Trường Sa, CSVN tìm cách chối bỏ tội bán nước trong hai vụ: công hàm 1958 và bản đồ thế giới 1972, bằng cách đưa ra luận cứ rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của VNCH.  CSVN là thừa kế của VNCH.  Vì vậy, Hoàng Sa và Trường Sa là của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

       4) Sau chiến tranh Việt Hoa không bao lâu, Trung Quốc đã khôn ngoan đưa CSVN trở lại quan hệ nước mẹ và nước con thông qua chính sách ngoại giao "mười sáu chữ vàng" (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai).  Thế rồi mười sáu chữ vàng đã làm cho CSVN chạy theo vàng, bỏ rơi nước.  Năm 1999 và năm 2000 CSVN đã âm thầm nhượng đất, nhượng biển của Việt Nam cho Trung Quốc bằng các mật ước về lãnh hải và lãnh thổ.  Mãi cho đến ngày nay CSVN vẫn quyết ý cất dấu các mật ước kia như là tài liệu tối mật của quốc gia.  Đất nước là của toàn dân, tại sao CSVN lại lén lút vẽ lại ranh giới Việt Trung và xem ranh giới này là tài liệu tối mật.  Nếu là tài liệu tối mật, CSVN làm thế nào giúp người dân nhận biết đâu là ranh giới Việt Trung cần phải tránh xa?  Nếu không, người dân Việt Nam khi di chuyển gần vùng biên giới có thể bị lính Trung Quốc giết hại bất kỳ lúc nào với lý do các nạn nhân đã xâm phạm lãnh hải hay lãnh thổ của Trung Quốc?  CSVN là nhà cầm quyền tối tăm hàng đầu của thế giới khi họ liệt kê ranh giới quốc gia là tài liệu bí mật quốc gia.  Đàng sau hai chữ bí mật kia, chắc chắn, chẳng là gì khác hơn là tội ác phản quốc.

       Về mặt ngoại giao, chẳng những CSVN không liên minh với các quốc gia bạn để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, mà còn kín đáo mở đường cho Trung Quốc lặng lẽ xâm lấn Việt Nam.  Sự việc CSVN cất dấu hiệp ước ranh giới Việt Hoa như một bí mật quốc phòng là thí dụ điển hình.

       ĐỐI NỘI:

       Thông thường, muốn bảo vệ lãnh thổ quốc gia, một chánh phủ cần vận dụng hai thế lực chính trị: quốc gia và quốc tế.  Ngoại vụ, phải liên minh với cộng đồng quốc tế để tạo đối trọng giúp cản đà tiến của ngoại xâm.  Nội vụ, phải lấy đoàn kết dân tộc làm lực chủ động trong nỗ lực chống ngoại xâm.  Trên địa bàn chính trị quốc nội, CSVN hiện đương đầu với vấn nạn: nhà cầm quyền tham nhũng.  Bệnh tham nhũng trầm trọng của CSVN cả thế giới đều biết, biết tường tận.  Do lòng tham tiền và tham quyền quá độ, CSVN vẫn một mặt bám trụ quyền hành, mặt khác, tự chữa bệnh tham nhũng theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi".  Dư luận vẫn còn nhớ vụ án Đồ Sơn, vụ tham nhũng nhà đất lớn hàng đầu năm 2005, số tiền tham nhũng do các bị can đoạt thủ trị giá nhiều triệu Mỹ kim.  Thế nhưng, ba chánh phạm, ba cán bộ cao cấp chỉ bị tòa án CS tuyên phạt một số tiền không quá giá tiền mua hai tô phở tại Việt Nam dành cho mỗi bị can.  Bản án làm cho toàn dân bật cười và làm cho đảng CSVN cảm thấy ngượng.  Vì vậy, thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, năm 2006, đã mạnh mẽ ra lệnh cho tòa án phải xử lại.  Từ đó đến nay vụ án Đồ Sơn thay vì bị xử lại, đã âm thầm đi vào bóng tối...  Sau Đồ Sơn là vụ PMU18.  Bị can quan trọng hàng đầu của vụ án này là Bùi Tiến Dũng.  Trong một lần cá độ bóng đá, đã bỏ ra số tiền non một triệu Mỹ kim.  Như vậy tài sản của Dũng phải là hàng trăm triệu Mỹ kim.  Tiền ở đâu ra, nếu không là từ tham nhũng mà có?  Trước tòa án Hà Nội ngày 7/8/07 Bùi Tiến Dũng chỉ bị hạch hỏi hai tội: đánh bạc và đút hối lộ.  Riêng tội đút hối lộ lại được tòa ghi nhận là chỉ dự tính đút chứ chưa đút.  Đi kèm với cáo trạng ngắn gọn vừa kể là vố số thành tích cách mạng của bố bị can và bị can.  Sau cùng, tòa Hà Nội của CSVN đã tuyên phạt Bùi Tiến Dũng bằng một bản án nhẹ như đùa!

       Chỉ cần nhìn vào hai bản án Đồ Sơn và PMU18, mọi người đều thừa biết CSVN không bao giờ có ý định và có khả năng diệt trừ tham nhũng.  Nói rõ hơn, CSVN chấp nhận "thượng bất minh".  Hệ quả tất nhiên của "thượng bất minh" là "hạ tắc loạn".  Đó là lý do giải thích tại sao xảy ra cuộc va chạm giữa quần chúng và nhà cầm quyền.  Từ cuộc va chạm kia ba điểm nóng đã bùng lên:

       1) Công nhân đình công: luật quan trọng hàng đầu của kinh tế thị trường tự do đòi hỏi: giá cả các loại tiền lương công nhân phải được qui định bởi những thương lượng tự do và trực tiếp giữa chủ (cầu) và thợ (cung).  Vi phạm qui luật này, thị trường lao động sẽ rối loạn, công nhân không thể không đình công.  CSVN vừa muốn thâu tóm lợi nhuận của kinh tế thị trường, vừa muốn tiếp tục trói tay công nhân bằng luật lao động của CS.  Từ đó công đoàn, nghiệp đoàn do CS tổ chức từ thời CS theo kinh tế quốc doanh, vẫn tiếp tục cướp quyền đại diện công nhân, không cho phép công nhân trực tiếp nói chuyện với giới chủ về tiền lương và về các quyền lợi khác trong đời sống của công nhân.  Như vậy tiền lương (giá lao động) không là cuộc gặp gỡ giữa cung và cầu.  Sự thể này khẳng định, chừng nào CSVN còn ngăn cấm quyền tự do sinh hoạt nghiệp đoàn, chừng đó công nhân còn tiếp tục đình công để chống lại sức bóc lột của giới chủ với sự hổ trợ hữu hiệu và độc ác của CSVN.  Đừng quên rằng rất nhiều chế độ độc tài đã bị chôn vùi dưới sức nổi dậy của công nhân.

       2) Dân oan khiếu kiện: Ngay sau 30/04/1975, CS ở phía Bắc VN đã ồ ạt kéo vào Nam.  Vội vàng và trắng trợn giải tán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.  Nhanh chóng chiếm giữ những vị trí hành chánh chính trị trọng yếu trong nam. Tạo đủ mọi lý do dối trá nhằm cướp ruộng, cướp vườn của nông dân.  Người dân không những thiếu cơm, thiếu áo mà còn mất luôn cả nhà để trú thân, đất để canh tác nuôi miệng.  Nạn nhân bị đảng viên CS cướp nhà cướp đất ngày càng đông đảo. Từ đó nổi lên phong trào dân oan khiếu kiện.  Bản tin BBC ngày 11/09/2007 cho biết: "Theo thống kê chính thức của chính phủ Việt Nam, từ 1997 cho đến nay, trung bình mỗi năm có gần 20.000 vụ khiếu nại, tố cáo của người dân". Vẫn theo BBC ngày 30/08/2007: "Ông tổng thanh tra nhà nước(CSVN) cũng thừa nhận rằng số vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai ngày càng đông, tới hơn 90%".  Xin nhớ cho rằng các con số vừa nêu do chính CSVN cung cấp, và rằng có rất nhiều người dân khác cũng mất đất, mất nhà nhưng không đi khiếu kiện vì những người này hoàn toàn không còn một chút lòng tin nào dành cho CS.  Mặt khác nhà đất bị CS cướp đã sang qua bán lại rất nhiều đời chủ, giấy tờ chủ quyền thật giả lẫn lộn, nhân viên hành chánh trình độ cực kỳ thấp kém, guồng máy hành chánh vận chuyển bằng đồng tiền hối lộ...  Phong trào dân oan khiếu kiện có hai đặc điểm căn bản: một là số lượng dân oan là con số khổng lồ, ngày càng gia tăng.  Hai là khả năng và thiện chí của CSVN trong việc giải quyết hồ sơ dân oan là một con số không (zéro) trắng trợn.  Hai đặc điểm kia quấn quyện vào nhau tạo ra sự thực rằng phong trào dân oan là quả bom nổ chậm và cực lớn, đang nằm trên ngực của đảng CSVN.

       3) Dân oan và tôn giáo: dân oan là bể khổ.  Tôn giáo là con thuyền giúp dân oan vượt bể khổ. Từ đó tôn giáo và dân oan như cá với nước.  Ngày 17/07/07 cá với nước hội ngộ: Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đích thân đến văn phòng quốc hội 2 ở Saigon để thăm dân oan, để mang hạnh bố thí của Nhà Phật đi vào đời sống thực tiễn.  Bố thí ở đây không đơn giản như trường hợp một người từ tâm biếu kẻ ăn mày vài đồng bạc.  Bố thí ở đây là hình ảnh bi hùng, diễn tả cuộc trao truyền từ Ánh Đạo Vàng về hướng dân oan.  Trao truyền cơm áo, trao truyền lòng thương yêu, trao truyền chí can đảm trong nỗ lực đòi hỏi công bằng xã hội.  Hạnh bố thí của Nhà Phật rộng mênh mông, cao diệu vợi, đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội hốt hoảng: một mặt, họ vận dụng toàn lực hệ thống truyền thông CS để bôi xấu Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, và đả kích Giáo Hội PGVNTN.  Mặt khác, ngày 29/08/07 thiếu tướng Trần Tư, cục trưởng cục an ninh xã hội, chuyên theo dõi và kiểm soát các tôn giáo, đã từ Hà Nội vào Bình Định khẩn khoản mời Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang ra Hà Nội để dự lễ Phật Đản do CSVN tổ chức, để gặp Nguyễn Tấn Dũng, và nhất là để nhận chức giáo chủ của Phật Giáo quốc doanh.  Thiếu tướng Trần Tư nói với Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, nguyên văn như sau: "Phật nào cũng Phật thôi! Xin cụ tham gia làm Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam"(Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Paris ngày 2/9/2007).

       Tham nhũng bất trị, công nhân đình công, dân oan khiếu kiện, tôn giáo bị ám hại, chỉ là bốn vấn nạn hàng đầu trong vô số vấn nạn đối nội khác: xã hội đồi trụy, y tế bệnh tật tràn lan, giáo dục lạc hậu phản nhân tính, luật pháp là cái áo khổng lồ bao che các loai tham ô, cá nhân và tổ chức đấu tranh cho dân chủ xuất hiện ngày càng đông ...  Mỗi nan đề xã hội là một đám cháy lớn.  Chừng nào các đám cháy họp thành bão lửa, chừng đó, CSVN mới thực sự đầu hàng tự do dân chủ.  Thế lực nào sẽ gom đám cháy thành bão lửa?  Thế lực đó, nằm trên bàn cờ quốc tế hay ngay trên đường phố Việt Nam?

       BÀN CỜ QUỐC TẾ:

       Đối với CSVN, một cách chủ yếu, bang giao quốc tế chỉ có nghĩa là bang giao Việt - Hoa và bang giao Việt - Mỹ.  Thái độ của CSVN trên bang giao Việt Hoa không gì khác hơn là vòng tay, cúi đầu, dân chết mặc dân, đảng vẫn ung dung sống đế vương trên ngai vàng do Trung Quốc bảo trợ.

       Bang giao Việt Mỹ thì sao? Những tin tức thời sự cho thấy:

       - Ngày 16/09/2007, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Trong đó, bản phúc trình ghi nhận tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam có tiến bộ.

       - Ngày 19/09/2007, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật chỉ trích tình trạng nhân quyền Việt Nam.  Dự luật này được thông qua với chỉ số áp đảo: 414 phiếu thuận, 03 phiếu chống.

       Như vậy rõ ràng là hành pháp Mỹ và lập pháp Mỹ đang mưu tìm dân chủ nhân quyền cho Việt Nam theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. 

        BÀN CỜ QUỐC NỘI:

        Suy nghĩ về bang giao Việt-Hoa và bang giao Việt-Mỹ đã nhắc nhở người Việt Nam hãy nhìn thẳng bàn cờ quốc nội. Chính người Việt Nam, chứ không ai khác mới có quyền và có nhiệm vụ giải quyết các thế bí trong trận cờ Việt Nam.

       - Hiện tình Việt Nam cho thấy sự việc "Nhà Phật nắm tay dân oan" cộng với vô số nan đề chính trị xã hội khác, hiển nhiên là dấu hiệu của tình huống dân tộc đang chuẩn bị đứng dậy.  Tình huống này đã làm cho CSVN thực sự hoảng sợ.  Trong hoảng sợ Hà Nội tới tấp bắt bớ giam cầm đối lập, ầm ĩ thóa mạ một cách vô văn hóa đối với các bậc chân tu, công khai lên tiếng báo động về một cuộc tự sát của CSVN (Xin xem tin ngày 27/08/2007, Nguyễn Minh Triết nói chuyện với Tổng Cục Chính Trị tại Hà Nội về điều 4 hiến pháp). - Chỉ có dân tộc mình mới thực sự yêu thương và thực sự cứu dân tộc mình. - Lịch sử thế giới (đặc biệt là lịch sử Đông Âu) đã ghi nhận: quốc tế chỉ tích cực hổ trợ một dân tộc trên đường tìm tới tự do dân chủ, chừng nào dân tộc đó có đủ can trường vươn mình đứng dậy.

       - Dân tộc phải đứng dậy, lịch sử dân tộc mới chuyển mình.  Không thể có hiện tượng nhờ người khác đứng dậy giùm mình.

       Trong tình huống hiện tại của Việt Nam, dân tộc đứng dậy có nghĩa là dân tộc gom đám cháy thành bão lửa.  Bão lửa có hai tác dụng, một là thiêu rụi độc tài tham ô, hai là mang lại thể chế tự do dân chủ, thể chế này sẽ thực sự bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ cho Việt Nam một cách hữu hiệu.  Là một chi thể của dân tộc, TTCSVNCHHN nên nghĩ gì?  Làm gì?

       VAI TRÒ CỦA TẬP THỂ CHIẾN SĨ VIỆT NAM CỘNG HÒA HẢI NGOẠI:

       Không có sự chối cãi rằng lịch sử Việt Nam hiện bị đưa đẩy bởi các thành phần kể sau: Hà Nội, Bắc Kinh, Hoa Thịnh Đốn và một số Việt gian các loại: Việt gian cho CS, Việt gian cho ngoại bang...  Thế lực dân tộc vẫn vắng bóng.  Hai chữ dân tộc đôi khi được nhắc tới, nhưng nhắc tới chỉ để mạo nhận danh nghĩa.  Dân tộc là quần chúng trên dòng sử.  Vì vậy, lịch sử chỉ thực sự hanh thông trong hoàn cảnh lịch sử được vận hành bởi những người xuất thân từ quần chúng, suy nghĩ cho quần chúng, hành động vì quần chúng.  Trên ba chuẩn mực xuất thân từ, suy nghĩ cho, hành động vì, chúng ta hãy suy nghĩ về TTCSVNCHHN.

       Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, tập thể nào cũng đôi khi lâm vào tình huống "con sâu làm rầu nồi canh".  Tuy nhiên, nhìn một cách chung nhất và bình tĩnh nhất TTCSVNCHHN có các đặc tính nêu sau:

       - Đủ mọi thành phần địa phương: Bắc, Trung, Nam.

       - Đủ mọi trình độ hiểu biết từ tiểu học lên đến hậu đại học.

       - Đủ mọi thành phần tôn giáo.

       - Đủ mọi khuynh hướng chính trị, đảng phái.

       - Thực sự mang tính quần chúng. Tất cả thành viên của TTCSVNCHHN bao gồm quân đội, cảnh sát QG, công chức, tổ chức bán quân sự, chiến sĩ XDNT, vô số cá nhân vô danh yêu nước, chống độc tài CS và các loại độc tài khác... , không hề bị phân biệt đối xử vì lý do địa phương, tôn giáo, giới tính hay thành phần xã hội.

       - Có đông đảo thương phế binh, chiến hữu, thân hữu, đồng bào mến mộ còn sinh sống trên quê hương.

       - Có truyền thống "Bảo quốc, an dân".  Chính nhờ vào truyền thống này, trong suốt cuộc chiến Việt Nam, mỗi lần xảy ra chiến trận giữa các lực lượng thuộc TTCSVNCH và bộ đội Bắc Việt, người dân bao giờ cũng tìm về phía lãnh thổ VNCH để được bảo bọc, che chở.  Đúng là "quân với dân như cá với nước". Quân ở đây là tập thể CSVNCHHN

       Câu nói "quân với dân như cá với nước" nhấn mạnh rằng quân từ dân mà có, quân vì dân mà hy sinh, quân và dân là hai mặt không tách rời của một bàn tay.  Trên dòng lịch sử Việt Nam, mối liên hệ quân và dân lộng lẫy nhất, lãng mạn nhất được gói ghém trong hiện tượng Đinh Bộ Lĩnh. Nhân vật này ra đời năm 923 từ động Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Bắc Phần.  Thuở nhỏ Bộ Lĩnh thường theo chơi với trẻ chăn trâu, chăn bò ở làng quê, tổ chức chúng thành đội ngũ, dùng bông lau làm cờ để tập đánh giặc.  Ở tuổi trưởng thành, vốn giỏi võ và thân dân, Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng dẹp tan loạn sứ quân hồi bấy giờ, được dân chúng tôn xưng là "Vạn Thắng Vương" tức là Đinh Tiên Hoàng Đế.  Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 968, qua đời năm 979, làm vua 12 năm, thọ 56 tuổi.  Hình ảnh nổi bật trong sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng là ngọn cờ bông lau.  Sau này mỗi lần đất nước gặp khó khăn, đất nước cần vận dụng sức dân làm lịch sử để hanh thông, người dân thường nghĩ tới giải pháp Đinh Tiên Hoàng, gọi tắt là giải pháp Bông Lau.

       So chiếu lịch sử của TTCSVNCHHN và đế nghiệp của Đinh Tiên Hoàng, chúng ta thấy một điểm đồng qui: đôi bên đều gắn bó với nhân dân, đều vì nhân dân mà chiến đấu.  Ngày xưa giải pháp Bông Lau giúp Đinh Tiên Hoàng bình định loạn sứ quân.  Ngày nay giải pháp Bông Lau sẽ giúp TTCSVNCHHN gom đám cháy thành bão lửa, mang lại tự do dân chủ cho VN.  Thể chế tự do dân chủ hàm chứa trong nó hai đáp án mà lịch sử VN đang trông chờ:

       - Một là quyền sống trong tự do, dân chủ của người dân.

       - Hai là nghĩa vụ phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ VN. Vấn đề không còn là những thảo luận về giá trị của giải pháp Bông Lau. 

       Vấn đề chính là: Làm thế nào TTCSVNCHHN có thể biến giải pháp Bông Lau thành hành động cụ thể trên con đường giữ nước và dựng nước?  Câu trả lời nằm trong bài thuyết trình của chiến hữu Trần Quang An, chủ tịch Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia ./